Dệt may Việt Nam: Biến khó khăn thành cơ hội phát triển bền vững Theo Vietstock
2023-07-25 15:30:07
more 
315

Vietstock - Dệt may Việt Nam: Biến khó khăn thành cơ hội phát triển bền vững

Những khó khăn hiện tại đang thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam linh hoạt hơn trong sản xuất và hướng tới chuyển đổi “xanh” nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu từ châu Âu.

Ngành Dệt may Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng trong những tháng tới đây. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đã chuyển dịch sang thị trường Pakistan hay Ấn Độ trong bối cảnh lợi thế về chi phí không còn thuộc về nước ta.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp Việt Nam khắc phục những bất cập cốt lõi đang tồn đọng.

Áp lực từ chi phí đầu vào

Giá bông giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) tính đến hết ngày 18/07 ở mức 1.847 USD/tấn, giảm gần 1,5 lần so với mức giá cao gần 2.700 USD/tấn được ghi nhận hồi tháng Tám năm ngoái.

Giá bông ổn định ở mức thấp xuất phát từ cả hai phía cung và cầu trên thị trường. Về phía cung, sản lượng bông dần hồi phục sau những tác động hạn hán tại vùng canh tác bông chính của Mỹ hồi giữa năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu về bông hồi phục không như kỳ vọng của thị trường do kinh tế thế giới diễn biến ảm đạm. Đặc biệt, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới vẫn đang cho thấy tốc độ phục hồi chậm sau khi gỡ bỏ chính sách "Không COVID," kéo theo hoạt động nhập khẩu bông cũng kém tích cực.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, nhận định: “Kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự phục hồi không như kỳ vọng của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là trở ngại lớn trong việc gia tăng nhu cầu đối với mặt hàng bông. Do đó, giá bông có thể duy trì xu thế giằng co trong khoảng thời gian tới.”

Giá bông ổn định vốn là điều tốt đối các quốc gia nhập khẩu bông lớn như Việt Nam. Nhưng vấn đề là giá giảm mạnh đột ngột từ mức cao xuống thấp và không có dấu hiệu hồi phục khiến cho các doanh nghiệp dệt may đã ôm hàng trước đó không kịp trở tay.

Chênh lệch giá như vậy khiến chi phí cho sản xuất hàng dệt may trong nước còn ở mức cao so với các quốc gia khác (quốc gia không bị phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào như chúng ta), gây cản trở đến việc đón nhận các đơn đặt hàng.

Khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại, ngành sợi trong nước cũng khó cạnh tranh về giá. Do vậy, toàn bộ ngành sợi chịu thua lỗ, tồn kho sản xuất ở mức cao.

Ngoài ra, đơn giá giảm rất mạnh, nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Trước kia mỗi chiếc áo sơmi có giá gia công từ 1,7-1,8 USD thì nay giảm chỉ còn một nửa.

Không chỉ nguyên nhân trước mắt là giá nguyên liệu mà sự suy yếu trong xuất khẩu hàng dệt may còn xuất phát từ những yếu tố nội tại của việc sản xuất.

Trước đây, lợi thế thường nhắc đến của ngành dệt may Việt Nam để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Bangladesh, Ấn Độ... là lao động dồi dào, nhân công giá rẻ. Với lợi thế đó, dệt may trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi đóng góp trên 10% cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường lao động, những lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam đang dần suy yếu.

Đại diện một doanh nghiệp may mặc lớn trong nước cho biết tiền lương trung bình hàng tháng của công nhân ngành may mặc tại Việt Nam ở mức , cao hơn mức trung bình 200 USD/người trên toàn cầu.

Thậm chí, mức lương trong ngành dệt may tại Việt Nam đang cao gấp 3 lần mức lương 95 USD/người/tháng tại Bangladesh hay 145 USD/người/tháng tại Ấn Độ, các quốc gia đang trực tiếp cạnh tranh các đơn hàng may mặc với chúng ta.

Ông Phạm Quang Anh cho rằng tiền lương trong lĩnh vực dệt may tăng trưởng là tín hiệu tốt cho đời sống công nhân, cũng như thể hiện năng lực ngành. Nhưng giá nhân công không rẻ như trước cũng sẽ hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tuy vậy, về mặt tích cực, đây lại là động lực cho ngành nâng cao công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm. Điểm sáng là trình độ nhân công được cải thiện.

Điều đó đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam cần chuyển đổi đa dạng hơn các lợi thế cạnh tranh khác để nhanh chóng trở lại cuộc đua cung ứng hàng dệt may, không chỉ còn tập trung vào nguồn lao động giá rẻ như trước.

Chuyển mình phát triển bền vững

Để vượt khó, nhiều doanh nghiệp đã phải linh hoạt trong sản xuất các đơn hàng. Họ sẵn sàng làm các đơn hàng nhỏ lẻ, độ phức tạp và yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, yếu tố quan trọng vẫn phải là chuyển mình cho sự phát triển bền vững hơn.

Đây đã không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu này.

Ngành dệt may sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi “xanh” đã được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy tiến trình thực hiện còn tương đối chậm song với động lực tất yếu là cần nâng cao lợi thế cho ngành, trình độ nhân công cải thiện, hiện nay chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp trong nước tập trung đẩy mạnh chuyển đổi.

“Chuyển đổi sản xuất để phù hợp nhu cầu thị trường là tất yếu, đi kèm với điều này, vẫn cần cải thiện những yếu tố sẵn có thể thúc đẩy quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến dự báo về tình hình giá bông trên thế giới để có những chiến lược bảo hiểm giá hợp lý, tăng tính ổn định và bền vững cho ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD,” ông Quang Anh cho biết thêm.

Như vậy, để ngành dệt may Việt Nam nhanh chóng trở lại đường đua xuất khẩu thì việc chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, việc nâng cao công tác dự báo giá nguyên liệu đầu là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi và phát triển của ngành dệt may Việt Nam diễn ra nhanh hơn./.

Đức Dũng

Tuyên bố:
Nội dung bài viết này không thể hiện quan điểm của trang web FxGecko, nội dung chỉ mang tính chất tham khảo không mang tính chất tư vấn đầu tư. Đầu tư là rủi ro, hãy lựa chọn cẩn thận! Nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nội dung, bản quyền,… vui lòng liên hệ với chúng tôi và chúng tôi sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất!

Các bài báo liên quan

您正在访问的是FxGecko网站。 FxGecko互联网及其移动端产品是中国香港特别行政区成立的Hitorank Co.,LIMITED旗下运营和管理的一款面向全球发行的企业资讯査询工具。

您的IP为 中国大陆地区,抱歉的通知您,不能为您提供查询服务,还请谅解。请遵守当地地法律。