Phó Thống đốc NHNN: Việc điều hành chính sách tiền tệ gặp khó vì phải hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn Theo nguoiquansat.vn
2023-05-10 17:30:06
more 
156

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa các mục tiêu mâu thuẫn. Sáng nay (10/5), Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”.

Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 diễn biến nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong Đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái sang lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại Châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.

Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức. Phó Thống đốc cũng cho biết, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn.

Cụ thể, thứ nhất, làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; thứ hai, vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; thứ ba, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Ông Hà cho biết, nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra.

“Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi tích cực, tăng trưởng cao 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, doanh nghiệp và người dân tiếp tục tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam, mặt bằng lãi suất sau khi tăng trong năm 2022 do áp lực trong và ngoài nước đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Hà nói.

Phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

Trước các thách thức đó, các chuyên gia đã có các đề xuất về điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ giai đoạn 2023-2024 cho Nhà điều hành. Cụ thể, phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV (HM:) cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ hơn chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách hành chính.

Đối với chính sách tài khoá, tiếp tục là chủ lực, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí (Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023, giảm 2% thuế VAT); đẩy nhanh hoàn thuế VAT; phối hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi 2022-2023. Theo đó, ông lực nhấn mạnh: “Dư địa của chính sách tài khoá vẫn còn”.

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết thêm: “Cần phối hợp chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong cung tiền – kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tiền tệ - tài chính, phát triển thị trường chứng khoán, tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính...”.

Ngoài ra, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng gợi ý, các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng. NHNN nên dựa vào chính sách lãi suất để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản.

“Chính sách tài khóa nên linh hoạt và có mục tiêu, đồng thời, thực thi các cải cách cơ cấu”, bà Nga phát biểu tại Diễn đàn.

Tuyên bố:
Nội dung bài viết này không thể hiện quan điểm của trang web FxGecko, nội dung chỉ mang tính chất tham khảo không mang tính chất tư vấn đầu tư. Đầu tư là rủi ro, hãy lựa chọn cẩn thận! Nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nội dung, bản quyền,… vui lòng liên hệ với chúng tôi và chúng tôi sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất!

Các bài báo liên quan

您正在访问的是FxGecko网站。 FxGecko互联网及其移动端产品是中国香港特别行政区成立的Hitorank Co.,LIMITED旗下运营和管理的一款面向全球发行的企业资讯査询工具。

您的IP为 中国大陆地区,抱歉的通知您,不能为您提供查询服务,还请谅解。请遵守当地地法律。